ỨNG DỤNG GIÁO LÝ NHÀ PHẬT XÂY DỰNG VĂN HÓA DOANH NGHIỆP
Hành trình hạnh phúc

ỨNG DỤNG GIÁO LÝ NHÀ PHẬT XÂY DỰNG VĂN HÓA DOANH NGHIỆP

23:28 | 29/08/2023
1168 lượt xem

Bộ truyện tranh khắc họa cuộc đời Đức Phật Thích Ca được xem như một kiệt tác, phát hành lên đến con số hơn 20 triệu bản trên toàn thế giới. Vì sao? Dưới góc nhìn của một người làm kinh doanh, hay dưới góc nhìn của một người thực hành thiền, câu trả lời của tôi vẫn nhất quán - nội dung của tác phẩm ấy đủ tầm để hàng triệu người trên toàn thế giới muốn lĩnh hội và áp dụng vào cuộc sống của mình.

NHỮNG TRIẾT LÝ QUEN THUỘC

Ở bài viết này, tôi xin phép chỉ chia sẻ nội dung liên quan đến nơi làm việc. Tuy nhiên, theo tôi, công việc, gia đình, hay mối quan hệ xã hội đều có thể áp dụng cùng một triết lý, trong hoàn cảnh giao tiếp tương đồng. Có những triết lý rất quen thuộc, thậm chí được chúng ta thực hành mỗi ngày nhưng vì chưa tìm hiểu sâu nên không biết đó là giáo lý Nhà Phật.

“Đau khổ từ tham vọng mà ra!”

Trong Kinh Chuyển Pháp Luân, Đức Phật chỉ ra 8 cái khổ của con người, được gọi là “sở cầu bất đắc”, tức muốn mà không có, cầu mà không được thì sinh đau khổ. Tôi tin, đây là một trong những triết lý được nhắc đến mỗi ngày trong cuộc sống này. Và, tôi cũng tin, đây là cơ sở rất quan trọng để chúng ta nương vào, điều chỉnh mong cầu của bản thân nhằm tìm thấy bình an.

Nếu thành thật nhất có thể, có lẽ, chúng ta đều phải thừa nhận rằng, trong ta luôn có tham vọng, thậm chí, đó là chuỗi tham vọng. Chúng ta đi làm, nhận được mức lương tương xứng với khả năng, nhưng không thể dừng việc hy vọng được tăng lương, được nhận thưởng. Chúng ta đứng đúng vị trí của mình trong tổ chức, nhưng không thể dừng suy nghĩ mong được thăng tiến, nắm giữ vị trí cao hơn, quan trọng hơn… Nếu nhìn theo hướng tích cực, thì đây là cách để mỗi chúng ta cố gắng, phát triển bản thân lên. Nhưng nếu để những hy vọng ấy biến thành tham vọng và khi không đạt được, chúng ta chìm trong đau khổ, thất vọng, bất mãn…

Có tham vọng, có hoài bão là tốt, nhưng hãy đảm bảo bản thân mình có thể kiểm soát được để không vượt khỏi giới hạn cho phép. Bởi, một khi chuỗi tham vọng đã bắt đầu, chúng ta rất khó để thoát ra. Chúng ta sống, làm việc là để tìm kiếm sự đủ đầy, hạnh phúc. Đôi khi, hạnh phúc ấy ở trong bàn tay ta nhưng sẽ lụi tàn đi trước ngọn lửa tham vọng trong tim quá lớn.

“Không có gì sinh ra đã khổ!”

Có lẽ, đây cũng là một triết lý mà không nhiều người biết thuộc Kinh điển Phật giáo. Đây là giáo lý mà Đức Phật đã thuyết giảng cho Vương tử Lưu Ly, khi Vương tử cứ đắm chìm trong mặc cảm, phẫn uất vì mẹ là nô tì.

Chúng ta thì sao? Có phải, trong công việc, khi không như ý mình, chúng ta thường tìm lời giải thích nghe có vẻ phù hợp rằng bản thân mình không nhận được sự công bằng, thậm chí là do hoàn cảnh vốn không thể so bì cùng người khác nên quá trình chứng tỏ bản thân trở nên khó khăn và trở ngại hơn?! Điều ấy có đúng không? Có thật hoàn cảnh, xuất thân tạo nên đau khổ của chúng ta không?

Nếu lắng lại, cho mình đủ sự yên tĩnh để nhìn thấu vấn đề, chúng ta sẽ thấy rằng, từ những lời giải thích tiêu cực ấy, chúng ta rất dễ ruồng bỏ, chán ghét bản thân. Chúng ta tưởng mình đang phản ứng với sự thiếu công bằng của cuộc sống; nhưng thực chất là chúng ta đang ngược đãi chính mình, không cho mình cơ hội cố gắng để phát triển hơn.

Thực tế, hoàn cảnh, môi trường và điều kiện làm việc của mỗi người mỗi khác. So sánh là tiền đề để chúng ta dẫn mình đến sự u mê, tự dối lừa bản thân rằng vì mình sinh ra đã khổ nên khó thành công. Chỉ cần thay đổi cách nhìn, rất có thể, chúng ta sẽ nhận ra “sinh ra đã khổ” là điểm tựa để chúng ta trưởng thành.

“Trả thù là tấn công chính bản thân!”

Đây là một giáo lý khác mà Đức Phật giáo hóa Vương tử Lưu Ly. Như đã nói ở trên, vì quá tự ti, căm phẫn khi bị khinh miệt về xuất thân, Vương tử Lưu Ly ôm thù trong lòng. Đến khi có được quyền lực, ông quay lại trả thù những người từng đối xử thiếu tôn trọng với gia đình mình bằng cách áp bức, bắt họ làm nô lệ xây đập nước.

Khi suy ngẫm về triết lý này, chúng ta sẽ nhận ra một điều, đồng nghiệp là cộng sự chứ không bao giờ là kẻ thù. Chúng ta và họ đứng trên cùng một con thuyền, cùng hướng đến một mục tiêu, nếu xem nhau là kẻ thù và trả thù nhau, chẳng khác nào chính ta đắm chìm con thuyền mà mình có mặt trên đó. Như thế, khác nào mình tự nhấn chìm bản thân.

Mở rộng hơn, nếu xem đối thủ cạnh tranh trên thương trường là kẻ thù và tìm cách trả thù họ vì giành được hợp đồng mà ta đang cố gắng đạt được, kết quả cũng chỉ là ta đang tự tấn công mình mà thôi. Vì bạn có quyền trả thù, đối thủ cũng thế, thậm chí họ hoàn toàn có thể thâm độc hơn; rồi mọi thứ biến thành một cuộc chiến không hồi kết, thay vì hai bên cố gắng để phát triển tổ chức của mình.

Cách phòng bị tuyệt vời nhất khi bị công kích, là đừng xem đối phương là kẻ thù. Nỗi hối hận sau khi trả thù còn đau đớn và nặng nề hơn cả khi bị tấn công.

NHỮNG GIÁO LÝ DJC ĐÃ - ĐANG VÀ SẼ THỰC HÀNH

Điều tuyệt vời nhất với tôi khi thành công xây dựng Tập đoàn Hành trình Kim cương - DJC - theo mô hình xanh ngọc, đó là chúng tôi có những thành viên thuộc nhiều tôn giáo khác nhau, nhưng tất cả đều đồng thuận, đều hoan hỷ với những triết lý Phật giáo mà tôi muốn áp dụng cho doanh nghiệp của mình.

Bánh xe Pháp luân là một trong 5 thành tố cấu thành logo DJC

Ngay từ khi khởi nguồn ý tưởng xây dựng DJC, hội đồng sáng lập đã trò chuyện với nhau về triết lý nhà Phật, về tâm nguyện đồng hành cùng mọi người trên con đường hạnh phúc đích thực với tâm từ - thân khỏe - trí sáng. Chúng tôi biết thời gian sẽ không ngừng trôi, chiến lược kinh doanh cũng sẽ không ngừng thay đổi và thế hệ sẽ tiếp nối thế hệ, nhưng chúng tôi mong triết lý khởi nguồn như kim chỉ nam luôn trường tồn dẫn dắt DJC hướng thượng và hướng thiện. Do đó, chúng tôi đã gửi hết tâm tư vào logo của tập đoàn với năm thành tố.

Đầu tiên, là Bánh xe Pháp luân - bánh xe tinh tấn, cũng là biểu tượng quan trọng của Phật giáo, đại diện cho lời dạy của Đức Phật hướng con người đến sự giác ngộ, thấu hiểu chân lý cuộc đời và vũ trụ thông qua việc tu dưỡng đạo đức, trí tuệ và sống tỉnh thức. Đó chính là hình tròn như bánh xe ôm trọn logo. Bốn thành tố còn lại bao gồm hoa sen - quốc hoa của Việt Nam đại diện cho sự thuần khiết; kim cương thể hiện nội lực liên kết mạnh mẽ; ngôi sao đại diện cho sự tinh anh và ngũ hành kim - mộc - thủy - hỏa - thổ, năm yếu tố tạo nên vạn vật trên vũ trụ đại diện cho các mối tương quan. 

Chúng tôi đặt tên cho hệ sinh thái giáo dục và truyền thông số này là “Hành trình Kim cương”, tức là hành trình khai phá giá trị viên kim cương độc bản trong mỗi con người. Và chúng tôi cùng đồng thuận rằng, trên hành trình ấy, nếu thiếu đi đạo đức hay trí tuệ thì viên kim cương không thể sáng đẹp, trong suốt được. DJC có một niềm tin mạnh mẽ rằng, sự tinh tấn và sự tỉnh thức sẽ cho chúng ta cơ hội khai mở toàn bộ khả năng, nội lực bên trong, trên nền tảng của đạo đức và trí tuệ. Chỉ khi xây dựng mọi thứ trên tiền đề này, chúng ta mới có thể thuyết phục được đối tác, khách hàng tin tưởng mình.

 “Thiện tâm với nhân gian!”

Ở trên, tôi có nói, đội ngũ DJC gồm nhiều người, thuộc nhiều tôn giáo khác nhau; nhưng tất thảy chúng tôi không có bất đồng nào trước những triết lý nền tảng xây dựng nên doanh nghiệp này. Tôi tin, bởi mọi cộng sự của tôi đều có thiện tâm rất lớn.

Khi xác định bước vào một doanh nghiệp xã hội, hầu hết mọi người đều biết chính xác mình cần gì và sẽ làm gì. Cho dù vị trí của bạn ở đâu, chuyên môn của bạn là gì, thì mục đích lớn nhất của một doanh nghiệp xã hội luôn là để phục vụ cộng đồng. DJC cũng thế! Điều chúng tôi hướng đến là được đồng hành với mọi người trên hành trình hạnh phúc. Mà muốn làm một người bạn đồng hành chân chính, nhất thiết chúng tôi phải sẵn có và luôn nuôi dưỡng thiện tâm trong mình.

Nghĩ thiện, nói thiện, làm thiện với những người bạn có tình cảm hoặc những người có năng lượng tích cực là khá dễ dàng. Nhưng thiện tâm lớn là có thể nghĩ thiện, nói thiện, làm thiện với cả những người mang năng lượng tiêu cực. Đây không đơn giản là một lý thuyết để nói, để chia sẻ làm đẹp bộ mặt một tổ chức. Đây là điều mà bạn phải giữ, phải làm mỗi ngày, mỗi giờ.

Chúng tôi ngồi với nhau, nói với nhau về cách nhìn một người nhiều căm phẫn bằng cái nhìn sâu sắc, bao dung, để thấu hiểu, để cảm thông. Có như thế chúng tôi mới giúp họ tìm thấy bình an, hạnh phúc được. Và, theo góc nhìn tâm linh, tôi tin chính vì mình đã nhất thiết hướng đến sự thiện lành, nên có duyên để gặp gỡ những cộng sự luôn sẵn lòng trao gửi thiện tâm cho nhân gian.

“Hết lòng với người khác cũng là vì chính mình!”

Chúng tôi không hỗ trợ, giúp đỡ người khác với ý nghĩ rồi sẽ có một lúc được báo đáp. Chúng tôi làm bất kỳ điều tử tế nào cũng chỉ để lan tỏa sự tử tế ra cộng đồng quanh mình. Nhưng, sự thật của cuộc đời là điều tử tế mà ta làm hôm nay chắc chắn sẽ quay lại với chính ta vào một lúc nào đó.

Có một lần, trong một buổi sinh hoạt công ty, tôi có kể cho mọi người nghe về câu chuyện truyền cảm hứng mà chính tôi đã lĩnh hội được. Đó là câu chuyện Đức Phật bị trọng thương khi cố cứu một con hươu con ra khỏi tổ kiến độc khát mồi. Đàn hươu đã ở đó, liếm láp vết thương cho Ngài. Sau này, khi hàng vạn mũi tên nhắm vào Đức Phật, vì ân tình cũ, chúng sẵn lòng đem thân mình làm tấm khiên che chắn cho Ngài.

Thành viên trẻ tuổi trong DJC đã phản hồi thế này, “lắng nghe nỗi phiền muộn của đồng nghiệp và giúp đỡ trong khả năng của mình một cách chân thành, đó là khoảnh khắc chính mình có được bình an, hạnh phúc chứ không cần đợi đến báo đáp về sau!”. Tôi nghĩ, câu chuyện ngắn này có thể diễn đạt hết việc đội ngũ DJC mỗi ngày cùng nhau “nhúng mình” và thực hành giáo lý của Đức Phật thế nào!

VÀ ỨNG DỤNG TRONG CẢ VIỆC KINH DOANH

Như trên tôi có nói, tử tế với người mình thương quý là việc khá dễ dàng, nhưng với đối thủ cạnh tranh, với khách hàng khó tính thì việc ấy không đơn giản tí nào. Muốn như thế, chúng ta phải thật sự sống trọn vẹn với tâm thiện của mình và không ngừng nhắc nhở bản thân bằng những giáo lý sâu sắc.

Luôn mang tâm thế “đối phương = bản thân”

Nếu không thích cảm giác bản thân bị đối xử bất công thì chúng ta đừng đối xử với họ như thế. Đó là một quan điểm khá đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể ứng dụng vào cuộc sống của mình, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh. Nhưng, chúng ta thử thực hành thế này, tĩnh lặng lại và hình dung cảm giác của đối phương khi họ thất bại trong một cuộc đàm phán hoặc cạnh tranh. Ắt hẳn đó không phải là cảm giác dễ chịu gì. Hiểu như thế thì hãy học cách cư xử công bằng, tử tế với nhau; để chính bản thân chúng ta không phải trải qua cảm giác khó chịu từ những điều không tích cực.

Trong kinh doanh, cạnh tranh nên dựa trên công bằng, tử tế và tôn trọng nhau. Nếu tất cả mọi doanh nghiệp đều học cách nghĩ đến tâm trạng của người khác để thông cảm cho họ thì tự nhiên hạnh phúc sẽ đến với tất cả mọi người; vì thông cảm cho người khác trên thương trường cũng là thông cảm cho chính mình. Tôi không chắc bao nhiêu doanh nghiệp ngoài kia cùng quan điểm này; nhưng tôi chắc chắn DJC sẽ hoạt động như thế này, cư xử với đối thủ cạnh tranh như thế này. Bởi tôi biết, ai cũng sợ tổn thương cả; nên tôi nhất định sẽ không tổn thương bất kỳ ai, cho dù có là đối thủ trực tiếp đi chăng nữa.

Trên hành trình kinh doanh, đạo đức nghề nghiệp, trí tuệ dành hết cho sản phẩm, dịch vụ, tự nhiên mọi thứ sẽ phát triển lên theo hướng tích cực. Tôi tin rằng, khi bỏ qua những mối bận tâm không lành mạnh, chúng ta đều có thể chạm đến khái niệm an tĩnh tuyệt đối, đó là lúc ta hiểu rõ nội tâm, nội lực của bản thân. Trên thương trường và cả trong cuộc sống này, đối thủ thật sự cần phải chiến thắng chính là tâm hồn mềm yếu của chính chúng ta.

“Vì mọi người” là niềm vui tuyệt đỉnh

Đức Phật là người dẫu phải hy sinh bản thân cũng hết lòng vì người khác. Đó là hình tượng mà tôi tin rằng, không chỉ riêng Phật tử, mà tất cả những ai quan tâm đến giáo lý Phật giáo, những ai quan tâm đến việc phát triển bản thân để phụng sự cho tha nhân đều hướng đến để thực hành theo.

Tất nhiên, chúng ta không cần và cũng không đủ sức để có thể luôn hy sinh lợi ích bản thân vì người khác. Điều đúng nhất là phải tìm được hạnh phúc cho chính mình, nhưng quan trọng nhất là hạnh phúc tự thân của chúng ta sẽ đem lại hạnh phúc cho người khác, chứ không phải khổ đau. Với các đối tác, thậm chí với những dịch vụ cạnh tranh trực tiếp hay gián tiếp, nếu có thể giữ gìn giáo lý này cho mình, tôi tin, mọi người đều có thể đạt đến trạng thái bình an và có thể từ đối thủ thành bạn.

Tạm kết

DJC nói riêng và một số doanh nghiệp trong phạm vi quen biết của tôi nói chung đều áp dụng rất nhiều giáo lý nhà Phật vào mô hình kinh doanh của mình. Với một bài viết ngắn gọn thế này, tôi không nghĩ mình có thể giới thiệu hết những giáo lý đã thấm đẫm vào nếp nghĩ, nếp sống của tôi, trở thành cơ sở đạo đức của doanh nghiệp. Nhưng, tựu trung lại, tôi muốn chia sẻ đến bạn đọc một điều - lý tưởng cao nhất của Phật giáo là lòng từ bi, nếu chúng ta có thể làm việc với cộng sự của mình, thiết đãi khách hàng của mình và cạnh tranh với đối thủ của mình dựa trên lòng từ bi này, chắc chắn thương trường là nơi có đầy hạnh phúc!

NGUYỄN CHÂU LINH

(Founder - CEO Tập đoàn Hành trình Kim Cương - DJC)

23:28 | 29/08/2023
1168 lượt xem

Bài viết có thể bạn quan tâm

Hành trình hạnh phúc

THỰC HÀNH LẮNG NGHE CHÍNH MÌNH

Lắng nghe chính mình là một trong những tiền đề để chúng ta luyện tập “lắng nghe” người khác bằng tâm, chứ không phải bằng kỹ năng giao tiếp đơn thuần. Tuy nhiên, lắng nghe chính mình không đơn giản như việc ta soi mình trong gương để thấy thần sắc hôm nay có rạng rỡ không, bộ trang phục này có phù hợp cho những hoạt động trong ngày không? Lắng nghe chính mình cần nhiều sự suy tư và lắng đọng, để có thể thấu hiểu, thấu cảm và giao hòa với phần tâm thức sâu kín. Và đó là cả một nghệ thuật mà chúng ta luôn cần phải tự nhắc nhở bản thân rèn luyện mỗi ngày.

Hành trình hạnh phúc

CHUNG MỘT MÁI NHÀ

Có một thứ hạnh phúc được dệt nên từ câu chuyện sống hòa hợp. Bạn biết đấy, vì hòa hợp là khi chúng ta đặt cái tôi của mình xuống, gieo một hạt giống yêu thương và nuôi dưỡng nó mỗi ngày. Để tôi kể bạn nghe một câu chuyện hạnh phúc rất bình dị, từ cách hòa hợp mà động vật dành cho nhau…

Hành trình hạnh phúc

TRI TÚC THƯỜNG LẠC

Khi nhận lời chia sẻ một câu chuyện gì đó, phục vụ cho “Hành trình học tập trọn đời”, tôi ngay lập tức nghĩ đến một lời dạy của Đức Phật được ghi trong Kinh Di giáo - “Tri túc thường lạc”. Nay, tôi muốn cùng bạn tìm hiểu về câu này, xem như tự mình tặng cho mình chút hành trang thiện lành để bước chân vào hành trình học tập và hạnh phúc trọn đời.

Bài viết được xem nhiều nhất

Hành trình hạnh phúc

TRI TÚC THƯỜNG LẠC

Khi nhận lời chia sẻ một câu chuyện gì đó, phục vụ cho “Hành trình học tập trọn đời”, tôi ngay lập tức nghĩ đến một lời dạy của Đức Phật được ghi trong Kinh Di giáo - “Tri túc thường lạc”. Nay, tôi muốn cùng bạn tìm hiểu về câu này, xem như tự mình tặng cho mình chút hành trang thiện lành để bước chân vào hành trình học tập và hạnh phúc trọn đời.

Chuyện của Linh

LÃNH ĐẠO KHÔNG CHỨC DANH

Từ khi nung nấu ý tưởng xây dựng “Hành trình học trọn đời” - với nền tảng đầu tiên là Thư viện số 100 năm, lớn hơn là tập đoàn DJC - tôi đã xác định DJC sẽ phát triển theo mô hình xanh ngọc. Tôi không xem đội ngũ nhân sự là nhân viên dưới tuyến của mình; với tôi, họ là cộng sự, là bạn đồng hành. Suy nghĩ ấy cho phép tôi hạnh phúc khi là một lãnh đạo không chức danh.

Chuyện của DJC

XÂY DỰNG DOANH NGHIỆP THEO MÔ HÌNH XANH NGỌC

“Xanh ngọc” là khái niệm không còn xa lạ với người làm chủ doanh nghiệp tại Việt Nam. Có lẽ, bất kỳ ai cũng thừa nhận đây mà mô hình cấp tiến nhất trong những mô hình quản lý doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc xây dựng mô hình này trong bối cảnh kinh tế, xã hội Việt Nam là điều không hề đơn giản. Nhưng, khó không có nghĩa là không thể!

Chuyện của Linh

GỬI TÌNH THƯƠNG CHO CẢ THẾ GIỚI NÀY…

Khoan hẵng nghĩ việc trao gửi tình thương đi rộng khắp là điều viển vông, hay chỉ là cách nói để tự tạo danh xưng “tốt bụng”. Nếu bạn định nghĩa “thế giới” giống như tôi - là môi trường sống quanh mình, gồm những người chúng ta chưa từng quen biết, chưa có cơ hội để kết nối - thì việc trao gửi tình thương cho cả thế giới là điều mà bất kỳ ai cũng có thể làm được, miễn chúng ta có tâm niệm này.

Hành trình hạnh phúc

THỰC HÀNH LẮNG NGHE CHÍNH MÌNH

Lắng nghe chính mình là một trong những tiền đề để chúng ta luyện tập “lắng nghe” người khác bằng tâm, chứ không phải bằng kỹ năng giao tiếp đơn thuần. Tuy nhiên, lắng nghe chính mình không đơn giản như việc ta soi mình trong gương để thấy thần sắc hôm nay có rạng rỡ không, bộ trang phục này có phù hợp cho những hoạt động trong ngày không? Lắng nghe chính mình cần nhiều sự suy tư và lắng đọng, để có thể thấu hiểu, thấu cảm và giao hòa với phần tâm thức sâu kín. Và đó là cả một nghệ thuật mà chúng ta luôn cần phải tự nhắc nhở bản thân rèn luyện mỗi ngày.