Từ khi nung nấu ý tưởng xây dựng “Hành trình học trọn đời” - với nền tảng đầu tiên là Thư viện số 100 năm, lớn hơn là tập đoàn DJC - tôi đã xác định DJC sẽ phát triển theo mô hình xanh ngọc. Tôi không xem đội ngũ nhân sự là nhân viên dưới tuyến của mình; với tôi, họ là cộng sự, là bạn đồng hành. Suy nghĩ ấy cho phép tôi hạnh phúc khi là một lãnh đạo không chức danh.
Xanh ngọc là một mô hình cấp tiến để làm đẹp môi trường kinh doanh. Thế nên, đó là thiết yếu và chắc chắn sẽ xảy ra! Tất nhiên, không ít người hồ nghi về tính khả thi khi xây dựng doanh nghiệp theo mô hình này. Tuy nhiên, tôi tin ở bất kỳ tổ chức nào, doanh nghiệp nào, cũng có những con người sống và làm việc với suy nghĩ cấp tiến sẵn rồi. Chỉ cần sẻ chia năng lượng ấy với nhiều người, tự nhiên doanh nghiệp sẽ là mô hình xanh ngọc.
Từ lúc mới ra trường, mới đi làm, tôi đã được nhận rất nhiều sự tử tế từ những đồng nghiệp quanh mình. Tôi được hướng dẫn, chỉ bảo nhiều điều, nhiều thứ để bản thân bắt nhịp với tổ chức nhanh nhất có thể. Tôi được động viên, nhắc nhở mỗi khi phạm phải sai lầm. Tôi được sẻ chia, cổ vũ mỗi khi tinh thần không đủ tốt… Có thể, bạn nghĩ vì tôi có xuất phát điểm trong sự nghiệp ở môi trường giáo dục, nên mọi thứ đến với tôi êm ả, nhẹ nhàng. Tôi nghĩ, chuyện nhẹ nhàng, bình an được quyết định bởi chính tâm thức của mình, chứ không hẳn chỉ bị chi phối bởi môi trường xung quanh.
Ví dụ như, ở xã hội sơ khai, con người sống trong bộ lạc, phân tầng xã hội hầu như chưa có. Nhưng, để đảm bảo trật tự xã hội và phân công lao động, thế giới quan màu đỏ ra đời. Bản chất của thế giới quan màu đỏ là sự trung thành và nỗi khiếp sợ dành cho thủ lĩnh. Nhưng, với tôi, thế giới quan màu đỏ không hề xấu. Tôi chọn giữ lại cho mình phần cảm giác tốt đẹp dành cho hai từ “trung thành” trong mô tả về thế giới quan màu đỏ này. Chẳng phải, đó là yếu tố quan trọng để mọi mối quan hệ trong cuộc đời chúng ta bền vững đó sao?!
Nếu công tâm trả lời, những chủ doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ đánh giá mô hình tổ chức của họ thuộc thế giới quan nào? Hổ phách - tập trung vào kết quả, thành tựu, khen thưởng? Hay xanh lá - giao quyền cho người lao động dựa trên niềm tin? Có là mô hình nào đi chăng nữa, há chẳng phải cũng có những ưu điểm nổi trội hay sao? Và, có phải chính những ưu điểm ấy dần tạo nên sự cấp tiến trong tư duy của những nhà lãnh đạo sau này, để có thể tự tin xây dựng nên mô hình xanh ngọc?
Tôi đã từng rất may mắn, khi được làm việc trong một môi trường cởi mở, với những đồng nghiệp thân thiện, nhiệt tình. Tôi được truyền cảm hứng rất nhiều từ đồng nghiệp cũ. Với tôi, đó là cái nôi để trưởng thành, để nuôi dưỡng cho mình tư duy phụng sự và tâm nhất quán khi đối đãi với đồng nghiệp, cộng sự sau này. Nếu nói đã học từ mô hình nào, tôi phải khẳng định rằng, mình học nhiều nhất từ mô hình xanh lá - xem trọng cảm giác hạnh phúc trong đội ngũ nhân sự của mình, tạo nên sự gắn kết vững bền trong nội bộ tổ chức.
Tại sao tôi chưa từng bao giờ cần công khai tuyên bố, DJC là mô hình xanh ngọc, thậm chí, tự hào mà nói, thì đó là mô hình xanh ngọc đã thành công? Bởi đơn giản thôi, thứ tôi hướng đến không phải là danh xưng cho tổ chức của mình, cũng không phải hào quang hay những lời khen ngợi từ giới doanh nhân. Tôi hướng đến tình cảm chân thật giữa chính bản thân mình với cộng sự của mình. Tôi muốn mình là người truyền cảm hứng cho cộng sự, để họ trở thành bạn đồng hành của tôi trên con đường phụng hiến cho xã hội nhiều hơn là thụ hưởng cá nhân.
Tôi không cần hô hào, lớn tiếng về mô hình xanh ngọc mà DJC vốn đang là. Tôi xem đó là cơ sở để tự quan sát mình nhiều hơn! Bởi, muốn doanh nghiệp của mình đạt đến chuẩn xanh ngọc, tôi phải là người đầu tiên thuần hóa được cái tôi của mình, lắng nghe nội tâm của mình nhiều hơn. Chỉ như thế, tôi mới có thể đạt đến sự trọn vẹn trong công việc. Sự trọn vẹn ấy không đơn giản chỉ là thành công, mà là cảm giác hạnh phúc đích thực trên hành trình này.
Tôi hạnh phúc khi có thể bước ra khỏi những cái cũ - là hệ thống cấp bậc, phân quyền - để cùng đồng đội của mình tiến tới việc tận dụng tối đa trí tuệ tập thể. Không phải trong DJC, mà là tự trong lòng chúng tôi, quyền hành được phân chia đồng đều. Chúng tôi tôn trọng nhau thật lòng; và sự tôn trọng ấy không có chỗ cho uy quyền, phân cấp, thị uy…
Tôi hạnh phúc vì luôn ở trạng thái bình an, dẫu công việc bộn bề và hành trình chúng tôi đi còn rất nhiều thử thách. Khi quan sát mình đủ sâu, bạn sẽ như tôi, tìm thấy được sự trọn vẹn trong tâm hồn mình, quay trở về với cái tôi thuần khiết nhất của mình… Sự bình an có thể hiện diện giữa bận rộn, bởi tôi làm việc với phần thật nhất, trọn vẹn nhất của mình.
Tôi hạnh phúc, bởi ở phút giây hiện tại này, tôi biết mình là ai, biết mình cần gì, biết mình có thể làm gì. Tôi không cần viển vông nghĩ đến tương lai, càng không cố kiểm soát những gì chưa đến. Tôi chỉ biết, trong mình luôn có tâm phụng sự; và khoảnh khắc này, sat-na này, tôi đang được làm việc với niềm tin có thể đồng hành, hỗ trợ nhiều người, có thể phụng hiến cho xã hội nhiều hơn.
Bạn tôi từng hỏi tôi rằng, cảm giác thế nào khi nhân viên có thể tự do, thoải mái với tôi trong công việc, trong mỗi cuộc họp? Sự thật à? Tôi hạnh phúc với điều đó! Tôi hạnh phúc khi cộng sự của tôi tin tưởng đủ để thành thật với tôi trước tất cả mọi vấn đề. Tôi hạnh phúc khi được làm một nhà lãnh đạo không chức danh. Tôi hạnh phúc khi có nhiều bạn đồng hành cùng tôi đi tiếp trên hành trình cống hiến!...
(còn nữa…)