TỔ CHỨC CÂU LẠC BỘ ĐỌC SÁCH TRONG DOANH NGHIỆP
Chuyện của DJC

TỔ CHỨC CÂU LẠC BỘ ĐỌC SÁCH TRONG DOANH NGHIỆP

23:34 | 24/08/2023
242 lượt xem

NÊN HAY KHÔNG NÊN?

Có lẽ, không ai có thể phủ nhận sách là nguồn tri thức vô hạn của loài người. Việc đọc sách giúp mỗi chúng ta phát triển cả kiến thức thực tiễn lẫn tư duy sáng tạo, tư duy phản biện. Tuy nhiên, thực tế khảo sát cho thấy, thói quen đọc sách của người Việt còn rất hạn chế. Vậy, các lãnh đạo doanh nghiệp nên làm gì để có thể phát triển văn hóa đọc trong tổ chức của mình?

CÂU LẠC BỘ ĐỌC SÁCH - TẠI SAO KHÔNG?

Ở thời điểm hiện tại này, có khá nhiều doanh nghiệp đã thực hiện, thậm chí triển khai bền vững mô hình câu lạc bộ đọc sách trong nội bộ tổ chức. Tất nhiên, bước khởi đầu của hầu hết những câu lạc bộ này đều gặp cùng một vài khó khăn chung. Ví dụ như, người lao động chưa thật sự sẵn sàng, không đủ hào hứng, nên chỉ tham gia như một phần của KPIs. Hoặc, các buổi trao đổi về nội dung sách vẫn chỉ dừng ở mức hệ thống lại thông tin mà người lao động đọc được, tức, chưa tạo được sự sôi nổi trong những buổi chia sẻ như thế này.

Tuy nhiên, nếu xét ở những tổ chức đã triển khai thành công mô hình câu lạc bộ đọc sách, thì có thể thấy hai điểm tích cực rất lớn thu hái được từ việc đọc sách. Thứ nhất, việc quản trị tri thức trong doanh nghiệp trở nên thuận lợi và dễ dàng hơn rất nhiều. Thứ hai, tính kết nối trong nội bộ tăng trưởng mạnh mẽ.

Việc quản trị tri thức có thể nói là lý do tiên quyết để mỗi lãnh đạo trong doanh nghiệp muốn phát triển văn hóa đọc trong tổ chức của mình. Bởi, đây là quá trình nắm bắt, lưu giữ, chia sẻ và quản lý hiệu quả kiến thức và kinh nghiệm nhằm nâng cao kiến thức của đội ngũ nhân sự. Vì thực tế, chỉ khi mỗi người lao động tìm được kiến thức áp dụng để phát triển phần tri thức ẩn bên trong họ, thì cả tổ chức mới có thể phát huy được tối đa tiềm năng.

Có thể nói, quản trị tri thức quyết định năng lực của cả tổ chức. Thế nên, việc phát triển và duy trì được thói quen đọc sách cho đa phần người lao động là điều mà có lẽ tất cả mọi lãnh đạo doanh nghiệp đều nên xem là vấn đề lớn cần quan tâm và thực hiện.

Tiếp đến, tính kết nối trong nội bộ doanh nghiệp tăng trưởng sau thời gian cùng nhau tham gia câu lạc bộ đọc sách, thể hiện rõ việc nhóm người lao động trong tổ chức này có cùng một mối quan tâm - phát triển tri thức bản thân. Họ có thể từng có tranh luận, thậm chí là tranh cãi trong những buổi thảo luận về nội dung sách. Nhưng, chắc chắn, sau những giờ tưởng căng thẳng ấy, họ trở nên kết nối hơn; bởi, họ biết bản thân đã học hỏi được từ chính đồng nghiệp, cộng sự của mình.

VẬY, ĐÂU LÀ RÀO CẢN?

Như từ đầu đã nói, không dễ dàng để tổ chức được mô hình câu lạc bộ đọc sách trong doanh nghiệp. Và, việc duy trì lâu bền mô hình này càng khó hơn. Có thể việc cố gắng hoàn thành công việc được giao, đảm bảo những tiến độ gấp, tăng ca cho những hợp đồng phát sinh… là những yếu tố khiến người lao động, thậm chí là Ban tổ chức câu lạc bộ không còn đủ năng lượng để duy trì hoạt động đọc sách cùng nhau.

Nhưng nếu xét về những lý do cơ bản, không khó để chúng ta nhận ra rằng, có những rào cản rất rõ ràng và hoàn toàn có thể khắc phục.

Trước nhất, có lẽ phải kể đến vấn đề thời gian. Một số doanh nghiệp phạm vào sai lầm, khi cho rằng đây là hoạt động đem lại lợi ích cho chính người lao động, thế nên sẽ tổ chức hoạt động đọc sách ngoài giờ làm. Thực tế, chúng ta phải thấy rằng, người lao động tiến bộ, phát huy được hết tiềm năng của bản thân họ là lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp.

Nếu đưa người lao động vào một yêu cầu ngoài giờ làm việc mà không được trả tiền tăng ca, việc đa số người lao động phản đối là điều rất dễ xảy ra. Hoặc, nếu tham gia, họ cũng xem đó là trách nhiệm cần hoàn thành. Có nghĩa, họ không đặt tâm tư, sự tập trung của mình vào đó. Sau mỗi buổi chia sẻ nội dung sách xong, họ thậm chí không thể nhớ mình đã từng đọc gì.

Thứ hai, nội dung sách chưa thật sự phù hợp với nhu cầu phát triển của người lao động. Đây là một lý do rõ ràng nhưng không dễ để khắc phục, đặc biệt là trong những doanh nghiệp quy mô vừa và lớn. Một tổ chức vài chục nhân sự có thể đã khó xác định được đầu sách phù hợp cho tất cả, huống hồ là tổ chức hàng trăm nhân sự với đa dạng vị trí, đặc thù công việc riêng.

Thử hình dung thế này, một nhân sự làm truyền thông số, luôn cần bắt nhịp với thị trường thay đổi tính theo giờ, liệu có thật sự phù hợp với những nội dung sống chậm lại, bình yên mỉm cười? Tất nhiên, nếu nhóm người lao động vừa đưa ra làm ví dụ đây có thể áp dụng việc sống chậm, bình thản để “tích trữ” năng lượng cho ngày làm việc hôm sau, đó là điều tốt đẹp không cần bàn cãi. Tuy nhiên, với cá tính, thói quen sống, thói quen làm việc sẵn có, liệu bao nhiêu người trong số họ sẽ đồng ý một cách vui vẻ với những nhóm nội dung kiểu này?

Thứ ba, xem buổi thảo luận như một buổi thuyết trình với nhiều yếu tố cần đáp ứng. Đã đặt tên buổi thảo luận ấy là “thuyết trình”, thì hoạt động đọc sách sẽ trở nên miễn cưỡng và rất căng thẳng. Người lao động sẽ mặc định nghĩ rằng, họ cần phải ghi nhớ, làm trình chiếu tóm tắt chính xác nội dung, nói thật hay để người nghe không đánh giá thấp mình… Mọi thứ trở thành một phần KPI trong nhóm những công việc mà người lao động không hề có hứng thú.

Thêm nữa, tất cả mọi người đều cùng đọc sách, tại sao phải cần đến việc cử người này nói lại về phần nội dung này và người khác nói về phần nội dung khác? Tại sao lại giữ sách ở phạm vi lý thuyết? Nếu sách không thể trở thành tri thức mà mỗi cá nhân áp dụng để tự phát triển bản thân, thì rõ ràng, việc đọc sách chưa đi đúng hướng.

CÙNG NHAU TÌM LỜI GIẢI CHO MỘT MÔ HÌNH HAY

Mỗi doanh nghiệp sẽ có một văn hóa riêng, thế nên, rất khó để có thể đưa ra một hoặc một vài phương pháp áp dụng được cho tất cả mọi tổ chức. Tuy nhiên, dựa vào những điều đã chia sẻ ở trên, chúng ta hoàn toàn có thể tạo nên một câu lạc bộ đọc sách hiệu quả.

Người lãnh đạo không thể bỏ qua vai trò dẫn dắt, khơi dậy tinh thần phát triển bản thân cho đội ngũ nhân sự. Ở đây, không đơn giản chỉ là khía cạnh người lãnh đạo có thói quen đọc sách hay không. Ở đây, người lãnh đạo còn cần phải truyền đạt được cho đội ngũ nhân sự biết tầm quan trọng của việc đọc sách trong việc phát triển bản thân; cần chứng minh bằng thực tiễn, chứ không phải chỉ là khuôn mẫu sáo rỗng, giáo điều.

Nên, có thể nói, việc truyền thông giữa người lãnh đạo đến đội ngũ nhân sự là cực kỳ quan trọng. Người lãnh đạo phải nói được cốt lõi vấn đề, nhưng phải đảm bảo được việc tạo ra một nguồn năng lượng đủ tích cực, đủ tươi mới để đội ngũ nhân sự cảm thấy hào hứng tham gia vào mô hình này. Và tất nhiên, người lãnh đạo phải đảm bảo có mặt trong hoạt động này cùng với tập thể của mình.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải từng bước thay đổi nhận thức về học tập và phát triển tri thức cho cả tổ chức. Nếu áp đặt hoặc kiểm soát, thì hoạt động đọc sách trong doanh nghiệp sẽ mãi chỉ ở mức “việc bắt buộc phải làm”. Cần xây dựng không gian tri thức trong tổ chức; và cần rất nhiều thời gian để tạo thói quen tiếp cận, tiếp nạp và phát huy tri thức để phát triển bản thân cho người lao động.

Việc tổ chức các hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc rất quan trọng và cần thiết, nhưng, chắc chắn cần đảm bảo sự tinh tế và thấu hiểu cho người lao động rất nhiều. Như một vấn đề nhỏ ở trên đã nêu, hoạt động này được tổ chức sau giờ làm việc, vào cuối tuần thì rất khó thuyết phục người lao động tham gia; cho dù lợi ích cuối cùng có thuộc về tổ chức hay bản thân họ, thì việc xâm phạm thời gian tái tạo năng lượng lao động là điều rất không nên. Nếu tiếp cận tốt và truyền thông hiệu quả, lãnh đạo doanh nghiệp hoàn toàn có thể “đàm phán win - win” với người lao động. Ví dụ như, mỗi tuần, mỗi bên “tặng” nhau 1 giờ cho việc đọc sách, trao đổi về sách.

Thêm nữa, đừng quên việc tạo ra cơ hội để người lao động áp dụng kiến thức mình đã đọc vào thực tiễn. Mà vấn đề này cần phải xét đến những bước trước đó, là cung cấp nội dung sách phù hợp với từng nhóm công việc, từng phòng/ ban. Như thế, người lao động có thể học được những kiến thức phục vụ trực tiếp cho công việc hiện tại của mình; họ trao đổi, chia sẻ với chính cộng sự làm việc trực tiếp với mình… Có như thế, câu lạc bộ bổ sung thêm những nội dung sách phù hợp với cả tổ chức sẽ trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn.

NGUYỄN CHÂU LINH

(Founder - CEO Tập đoàn Hành trình Kim cương - DJC)

Link: doanhnhansaigon.vn

23:34 | 24/08/2023
242 lượt xem

Bài viết có thể bạn quan tâm

Chuyện của DJC

HÌNH THÀNH THÓI QUEN ĐỌC SÁCH SAU 28 NGÀY

Với người trưởng thành, muốn thiết lập và duy trì một thói quen lành mạnh cần từ 21 đến 28 ngày - theo Tiến sĩ Maxwell Maltz. Đọc sách cũng không ngoại lệ. Nhưng, để tạo thói quen đọc sách cho cả một tập thể thì cần nhiều hơn việc đưa bản thân mỗi người vào nguyên tắc “nhất định phải làm”.

Chuyện của DJC

XÂY DỰNG DOANH NGHIỆP THEO MÔ HÌNH XANH NGỌC

“Xanh ngọc” là khái niệm không còn xa lạ với người làm chủ doanh nghiệp tại Việt Nam. Có lẽ, bất kỳ ai cũng thừa nhận đây mà mô hình cấp tiến nhất trong những mô hình quản lý doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc xây dựng mô hình này trong bối cảnh kinh tế, xã hội Việt Nam là điều không hề đơn giản. Nhưng, khó không có nghĩa là không thể!

Chuyện của DJC

CÂU CHUYỆN XÂY DỰNG MÔ HÌNH XANH NGỌC CỦA DJC

Từ khi nung nấu ý tưởng xây dựng “Hành trình học trọn đời” - với nền tảng đầu tiên là Thư viện số 100 năm, lớn hơn là tập đoàn DJC - tôi đã xác định DJC nhất định phải là mô hình xanh ngọc, không thể khác. “Mô hình cấp tiến để làm đẹp môi trường kinh doanh là thiết yếu và chắc chắn sẽ xảy ra!”

Bài viết được xem nhiều nhất

Cẩm nang Nhân hiệu Hạnh phúc

Cẩm nang Nhân hiệu Hạnh phúc

Mỗi người làm một viên kim cương độc bản nhưng mấy ai thực sự hiểu được giá trị của mình để khắc họa rõ nét chân dung và thênh thang bước đi trong hạnh phúc?

Ngân hàng Di sản số

Ngân hàng Di sản số

Nơi hội tụ tri thức tinh hoa đa thế hệ, nơi ghi dấu di sản của những tinh anh và cũng là nơi giúp Bạn kết nối trò chuyện cùng thật nhiều tác giả.

Model 5e

Model 5e

Model 5e, lấy con người làm trung tâm, lấy triết lý Gieo & Gặt làm gốc rễ chính là mô hình lõi kiến tạo lên hệ sinh thái Giáo dục và Truyền thông số của Tập đoàn Hành trình Kim cương.

Chuyện của DJC

CÂU CHUYỆN XÂY DỰNG MÔ HÌNH XANH NGỌC CỦA DJC

Từ khi nung nấu ý tưởng xây dựng “Hành trình học trọn đời” - với nền tảng đầu tiên là Thư viện số 100 năm, lớn hơn là tập đoàn DJC - tôi đã xác định DJC nhất định phải là mô hình xanh ngọc, không thể khác. “Mô hình cấp tiến để làm đẹp môi trường kinh doanh là thiết yếu và chắc chắn sẽ xảy ra!”

Hành trình hạnh phúc

THỰC HÀNH LẮNG NGHE CHÍNH MÌNH

Lắng nghe chính mình là một trong những tiền đề để chúng ta luyện tập “lắng nghe” người khác bằng tâm, chứ không phải bằng kỹ năng giao tiếp đơn thuần. Tuy nhiên, lắng nghe chính mình không đơn giản như việc ta soi mình trong gương để thấy thần sắc hôm nay có rạng rỡ không, bộ trang phục này có phù hợp cho những hoạt động trong ngày không? Lắng nghe chính mình cần nhiều sự suy tư và lắng đọng, để có thể thấu hiểu, thấu cảm và giao hòa với phần tâm thức sâu kín. Và đó là cả một nghệ thuật mà chúng ta luôn cần phải tự nhắc nhở bản thân rèn luyện mỗi ngày.