Đạo sư Paltrul Rinpoche - người có cống hiến vĩ đại cho Phật giáo Tây Tạng; là người lập nên Trường phái Ninh Mã, một trong bốn trường phái lớn nhất Tây Tạng - từng kể một câu chuyện như sau.
Một người đàn bà với lòng sùng tín lớn lao dặn con trai mình mỗi khi đi Ấn Độ buôn bán thì đem về cho bà một vật thiêng liêng từ Ấn Độ, xứ sở của Đức Phật. Người con đã quên đi, cho đến khi về gần tới nhà. Anh ta bèn lấy một cái răng từ xác con chó, gói lại trong túi lụa thêu kim tuyến, rồi đưa cho mẹ và bảo: “Mẹ ơi! con mang cho mẹ chiếc răng của Đức Phật mà mẹ tôn kính đây!”. Từ đó đến cuối đời, người Mẹ thờ phụng chiếc răng với tất cả lòng tin và tôn sùng như thể đó là răng của Đức Phật. Những biểu hiện kỳ diệu xuất hiện từ chiếc răng mỗi ngày. Đến lúc người mẹ chết, ánh sáng cầu vồng bao quanh cơ thể bà như một biểu hiện của sự chứng đắc tâm linh cao.
Từ câu chuyện này, Đạo sư Paltrul Rinpoche đã để lại lời dạy mà theo tôi là bất kỳ ai, ở bất kỳ tôn giáo nào cũng có thể lĩnh hội được. Lời dạy của Ngài như sau:
“Một số người có thể nghĩ rằng họ quá khôn ngoan, nên không thể dựa vào một hình ảnh để tìm sự giúp đỡ cho bản thân. Họ thấy rằng bất cứ hình ảnh hay quán tưởng nào cũng chỉ là một sự giả tạo, là một vật bên ngoài. Nhưng trái lại, việc sử dụng hình ảnh tưởng tượng giúp chúng ta rút ra được sức mạnh tiềm tàng vốn đang sẵn có bên trong ta. Thứ mà chúng ta chọn là hình ảnh của nguồn sức mạnh không thật sự quan trọng, vì vốn đó là trí tuệ vốn có bên trong chính ta mà ta đang tiếp xúc. Vấn đề ở chỗ ta tin tưởng và mở rộng ra với trí tuệ đó, như là một sự tôn vinh thật tánh của vũ trụ.
Trong việc trau dồi nguồn sức mạnh, chúng ta phải nới lỏng những thái độ chật hẹp, cứng rắn và những cảm nhận tạo khó khăn cho chính mình. Chúng ta phải phát triển một tâm tích cực mở rộng với sự chữa lành. Nếu có thể cảm nhận nguồn sức mạnh tâm linh ấy đem đến cảm giác ấm áp, an bình, hãy biến nó thành của ta. Giờ đây, ta có thể vận dụng sức mạnh đó để chữa lành những khó khăn trong tâm thức của chúng mình và phát triển sức mạnh của tâm”.
Từ câu chuyện và lời dạy của đạo sư Paltrul Rinpoche, chúng ta thấy rằng, khi đức tin trong mình đủ lớn và ta muốn nương tựa vào, thì mọi hình ảnh, sự vật chỉ mang tính biểu trưng để mở ra sức mạnh tâm linh bên trong mỗi người. Và sức mạnh ấy thật sự kỳ diệu, phi thường; chỉ là, ta đã tin đủ và muốn nương tựa vào để sức mạnh ấy khai mở tâm trí của mình hay không mà thôi!
Nương tựa vào năng lượng tâm linh, chúng ta có thể tự chữa lành cho bản thân, giúp mình hồi phục sau những tổn thương; và trên hết, chúng ta có thể tự giúp bản thân tìm thấy sự bình an trong cuộc đời. Bất kỳ người theo tôn giáo nào, chỉ cần có đức tin và biết cách tìm đến nguồn năng lượng từ đức tin ấy đều có thể tìm thấy sự bình an cho mình.
Bạn biết đấy, tại Mỹ, tất cả mọi bệnh viện đều có một phòng cầu nguyện. Đó là nơi người bệnh có thể tìm đến để xin nguồn sức mạnh tâm linh, để bản thân đủ kiên cường mà chiến đấu với bệnh tật. Đó cũng là nơi mà người thân của bệnh nhân tìm đến, nương tựa vào sức mạnh tâm linh để có thể vững vàng đối diện với những sợ hãi trong mình khi nghĩ đến người thân. Vốn, sức mạnh tâm linh luôn tồn tại trong cuộc sống của chúng ta. Chỉ là, chúng ta có biết cách tìm đến và dựa vào hay không mà thôi!
Với hầu hết những phương pháp thiền định chữa bệnh, việc dựa vào nguồn năng lực là điều rất quan trọng. Có thể nói, tìm thấy và dựa vào nguồn năng lực là sự trợ giúp trong việc chuyển hóa đau khổ. Nguồn sức mạnh là một công cụ có thể khơi dậy năng lực và trí tuệ bên trong chúng ta để chữa bệnh. Bạn không cần mặc định nghĩ rằng, thiền định có nghĩa phải ngồi yên, phải thực hành đủ phương pháp của một pháp môn nào đó. Không, thiền đơn giản là khi bạn đang sống, đang hít thở, đang làm việc. Chỉ cần bạn biết giữ chánh niệm, tỉnh thức cho bản thân.
Chúng ta có thể dùng hình tượng của bất kỳ hình ảnh thiêng liêng nào theo sự tin tưởng của bản thân để xem đó là nguồn năng lực cho mình. Nguồn của sức mạnh đó có thể là bất cứ hình tướng tích cực nào. Có thể là mặt trời, mặt trăng, hư không, nước, sông ngòi, đại dương, không khí, lửa, cây cối, bông hoa, người, thú vật, ánh sáng, âm thanh, mùi vị… Bất cứ khía cạnh nào của năng lực mà chúng ta có thể tìm thấy bình an đều có thể là nguồn sức mạnh tâm linh.
Hình tướng của những bậc tâm linh thường hiệu quả hơn những hình tướng thông thường. Vì những hình tướng đó là hiện thân của sự an vui, của chân lý. Tuy nhiên, nguồn sức mạnh tốt nhất là thứ khiến chúng ta cảm thấy thích hợp với mình. Bất cứ hình ảnh nào bạn nghĩ đến mà tạo ra cảm giác ấm áp, an bình đều có thể trở thành hình tướng mang năng lực tâm linh.
Ví như, khi bạn lắng lại, nghĩ đến hình ảnh những tia nắng đầu ngày, với suy nghĩ biết ơn vì mình được sống, được đón nhận sự ấm áp này…; cảm giác ấy có hạnh phúc và bình an không? Có, nhỉ?! Nên, từng tia nắng cũng có thể trở thành nguồn sức mạnh tâm linh cho bạn. Chỉ cần bạn thiết lập được mối liên kết với sức mạnh này. Vì, bạn biết không, niềm tin tâm linh giúp con người hướng thiện, hướng thượng; thế nên, sức mạnh ấy giúp chúng ta đạt đến được cảm giác bình an. Há chẳng phải, chúng ta đều đi tìm hạnh phúc đó sao? Và, có phải, cảm giác bình an cũng chính là cảm giác hạnh phúc theo một cách tuy lặng lẽ nhưng lại rất đẹp không?
Với sự cởi mở về tâm hồn, với mong muốn đưa bản thân hướng thượng, tôi tin bạn sẽ như tôi, có thể tìm thấy nguồn sức mạnh tâm linh để nương tựa vào, để tìm thấy được cảm giác bình an trong cuộc sống!