UNESCO đã đưa ra 4 mục tiêu của một nền giáo dục, đó là học để biết cách học tập, học để biết cách làm việc, học để biết cách chung sống, học để biết cách hạnh phúc. Và, bạn thấy đấy, thực tế, chúng ta vẫn còn loay hoay với mục tiêu thứ hai - tức là học để làm việc và mục tiêu thứ ba - học để chung sống; trong khi, cả 4 mục tiêu này đều quan trọng như nhau.
Có lẽ, với mỗi người thì định nghĩa về việc học sẽ mỗi khác nhau; nhưng đa phần sẽ tựu trung vào một mô tả rất khái quát, đó là học để có kiến thức. Thế nên, nếu bạn muốn biết mình đạt được mấy trong 4 mục tiêu vừa kể trên, câu hỏi cần đặt ra đó là, kiến thức ấy phục vụ cho việc gì? Với tôi, học là một cách để tận hưởng cuộc đời.
Trước đây khoảng hai thập niên, những khái niệm “học sai ngành” hay “chọn sai ngành”, rồi “làm trái nghề” hoặc “làm sai nghề” là những cụm từ tạo áp lực lớn cho học sinh cuối cấp. Thời đó, chúng tôi không được tiếp cận với phương tiện truyền thông, chưa hiểu biết nhiều về thế giới ngoài kia…; tất cả những gì chúng tôi có là việc cố hết sức để học thật tốt ngành học mình đã chọn, với hy vọng sau khi ra trường có được công việc phù hợp với khả năng của mình. Giá mà, lúc đó, tôi và bạn bè cùng lứa với tôi có thể hiểu rằng, trong sự học không có đúng hay sai, mọi kiến thức đều quan trọng với hành trình trải nghiệm tiếp sau đó, có lẽ chúng tôi đã không quá căng thẳng với câu hỏi, liệu mình có chọn sai ngành học không?!
Nếu hiểu mọi thứ chỉ là trải nghiệm, nếu nhìn nhận rằng mỗi người có một trải nghiệm khác nhau, chúng ta sẽ tự biết cách lựa chọn hướng đi phù hợp hơn cho trải nghiệm tiếp theo của mình. Và như thế, chúng ta có thể nhìn nhận về việc học khác đi rất nhiều. Học để thấy cái hay, cái đẹp trong một lĩnh vực; để thấy sự sâu sắc và đồ sộ của một ngành học; để thấy sự phong phú và đa dạng của cuộc đời... Chỉ khi nào có được cái nhìn cởi mở hơn về việc học, chúng ta mới có thể làm rộng hơn tầm nhìn của mình. Có tầm nhìn rộng mở hơn, chúng ta sẽ có có những lựa chọn đúng đắn hơn, có những đóng góp hiệu quả hơn cho công việc, cho xã hội. Trên hết, chúng ta sẽ có tâm thế bao dung hơn.
Tôi đi qua thời học sinh, trưởng thành và làm mẹ. Bây giờ, tôi không còn là cô bé học sinh ngồi dưới lắng nghe sự chỉ bảo, giảng dạy của thầy cô. Tôi đến trường học của các con tôi, dự những buổi giao lưu, chia sẻ giữa nhà trường với phụ huynh, thấy hân hoan khi nhà trường đã tìm ra và áp dụng được phương pháp giúp các con đạt đến việc học để biết cách học tập. Đây cũng là mục tiêu đầu tiên trong 4 mục tiêu mà tôi đã nhắc ở trên; cũng chính là cơ sở giúp chúng ta học tập một cách dễ dàng, với sự vui vẻ, hạnh phúc và với chi phí thấp nhất có thể.
Chính từ những buổi chia sẻ ấy, chính từ cảm giác hạnh phúc khi biết các con của mình đã được học những kiến thức mới lạ, tiến bộ, tôi nhận ra, mình thật không còn ở tuổi học sinh nữa, nhưng, sự học chưa từng bao giờ có thể dừng lại với mình. Học mỗi ngày để làm việc hiệu quả hơn, để cống hiến nhiều nhất có thể. Học mỗi giờ để có thể hòa hợp với đội ngũ nhân sự, với những cộng sự của mình. Có lẽ, chính vì chưa từng bao giờ có ý nghĩ dừng việc học lại, nên cuộc đời mới dẫn tôi đến với trải nghiệm “thai nghén” và cho ra đời một DJC.
Phải nói thêm rằng, khi chính thức tìm hiểu, nghiên cứu về mảng giáo dục để có thể cho DJC ra đời, tôi nhận ra rằng, khá nhiều người không kích hoạt được tiềm năng tự học của bản thân, thậm chí còn không biết đến hoặc không tin vào tiềm năng tự học của mình. Do đó, họ lệ thuộc nhiều vào sự chỉ dạy của những người đi trước, để rồi dần mất đi từng phần sự tự chủ trong quá trình học của bản thân.
Tất nhiên, không ai có thể hoàn toàn tự học mà thành tựu được, nên chúng ta cần được học kiến thức từ nhà trường, từ những tiền bối trong nghề, trong xã hội. Tuy nhiên, cởi mở góc nhìn hơn, nếu chúng ta xem cuộc đời này là trường học lớn của mình, thì đâu phải ngại chuyện được học, được chỉ dạy, được dẫn dắt bởi những người quanh mình! Vấn đề là, nếu biết tập trung vun đắp, bồi dưỡng năng lực tự học và cảm nhận cảm giác hạnh phúc trong quá trình học, thì chúng ta sẽ tìm thấy nhiều lợi ích thiết thực hơn. Lợi ích vì ta học được sâu rộng hơn, lợi ích khi mang những gì học được ra ứng dụng vào công việc thực tiễn, và lợi ích khi có nhiều hiểu biết, kinh nghiệm để chia sẻ lại cho các thế hệ sau.
Há chẳng phải, tất cả chúng ta sinh ra, lớn lên, đều cùng đi tìm một thứ là hạnh phúc đó sao? Và có phải, mục tiêu thứ tư trong 4 mục tiêu mà tôi nói đến từ lúc đầu là thứ giúp chúng ta đạt được điều mình tìm một cách nhanh chóng? Từng khoảnh khắc khi còn được học đều là từng phút giây hạnh phúc, bởi ta biết mình có cơ hội nạp thêm kiến thức, kỹ năng để đem đến lợi lạc cho người khác và cho xã hội này.
Tôi từng là một cô bé học sinh hạnh phúc trong ngôi trường nhỏ ở quê mình. Tôi giờ vẫn là người hạnh phúc trong ngôi trường cuộc đời rộng lớn!